Hôm nay mình sẽ tiếp tục về Cut nhé, Cut có kha khá thứ để nói và Girdle là một trong số đó.
Girdle tiếng Anh nghĩa là cái nịt bụng quấn quanh eo ý. Khi nói đến girdle người ta sẽ nghĩ đến hình ảnh phụ nữ quý tộc xưa bó thít cái eo lại hết mức như muốn tắc thở đến nơi, rồi ở dưới váy vóc bồng bềnh, bung toả như cái nơm gà, chủ yếu để tôn lên vòng eo con kiến được ưa chuộng thời đó.
Bạn kim cương cũng có cái eo mà rất tiếc không phải eo con kiến mà hẳn là eo bánh mì. Mà eo gì thì eo, bạn ấy cũng có một chiếc [ girdle ] là đường viền/ riềm bao quanh, chia phần trên [ crown ] và phần đáy phía dưới [ pavilion ]. Mọi người có thể nhìn trong hình trên nha.
KHẮC CHỮ LÊN GIRDLE
Đây là khu vực mọi người hay khắc chữ laser lên nè. GIA khắc mã vạch theo số report của từng viên cũng lên girdle. Mà bạn yên tâm đi, nó bé xíu xìu xiu à, phải soi bằng kính lúp hay kính hiển vi mới thấy chứ mắt thường không thấy đâu. Nếu mắt thường mà thấy thì hẳn bạn phải kiếm chỗ mà cất giấu viên kim cương cho kĩ vì nó sẽ ‘siêu to khổng lồ’.
Mà việc khắc đó bạn phải yêu cầu và trả thêm phí khi kiểm định viên kim cương nha. Ngoài ra bạn có thể yêu cầu khắc logo, tên, hình ảnh hay bất cứ thứ gì bạn thích, miễn là bạn gửi hình ảnh cho GIA để xem họ có thể khắc được không và quan trọng là chi tiền. Thêm dịch vụ là thêm tiền. Cái gì cũng quy ra tiền hết trơn hết trọi. À mình được biết thêm là chỉ có GIA Mỹ mới có quyền khắc mã report lên kim cương thôi nên nếu bạn kiểm định ở GIA Thái thì viên kim cương của bạn sẽ bay 1 vòng đến Mỹ rồi mới quay ngược lại chỗ bạn đấy, tưởng anh láng giếng gần thì nhanh mà thực ra lại xa tít tắp.
Nếu như phòng học của mình rất tối, ánh sáng mờ yếu để chủ yếu lấy sáng từ kính hiển vi, nhìn kim cương cho rõ hơn thì trong phòng lab còn tối hơn nhiều, tối thui. Bạn mình bảo làm phòng lab thì phí cuộc đời vì cả ngày chả thấy ánh mặt trời đâu. Trong khu vực lab nơi duy nhất sáng tưng bừng trừ phòng lễ tân và chụp ảnh ra thì đó là phòng khắc laser, không những sáng mà còn ồn ào nữa.
Giáo viên mình cũng nói có công ty họ khắc logo lên chỗ khác trên viên kim cương mà mình quên mất khắc ở đâu rồi, vì khắc lên girdle khi lên trang sức thường bị che mất ý. Nhưng số này không nhiều. Và khả năng sẽ bị phản chiếu chữ khắc lên nhiều giác của kim cương, ảnh hưởng đến độ tinh khiết.

GIRDLE THICKNESS QUAN TRỌNG RA SAO?
GIRDLE Viền quanh kim cương tuy là eo bánh mì nhưng đây là chỗ hay bị đụng chạm của kim cương nè, bạn cầm nhíp gắp kim cương lên, trừ khi bạn thẩm định kim cương thì phải gắp cả 2 kiểu [ girdle to girdle ] và [ table to culet ] còn bình thường bạn muốn phô diễn vẻ lóng lánh của kim cương bạn sẽ gắp nhíp vào cái đường viền girdle phải không. Đây cũng chính là nơi mà các bạn kim loại bạc, vàng siết lại để cố định kim cương trên trang sức.
Nếu girdle mỏng manh quá thì sao? Thợ kim hoàn sẽ không vui chút nào khi làm việc với những bạn có đường viền quá mỏng vì nó dễ sứt mẻ. Nếu tay nghề họ cao, hoàn thành đẹp đẽ trơn tru đi nữa thì cái viền đó vẫn dễ mẻ trong quá trình bạn sử dụng nè. Vì rằng kim cương cứng thật đấy [ hardness ] nhưng nó rất giòn [ toughness ]. Mẻ rồi thì sao ta. Ôi thôi xót xa lắm, cắt lại thì mất carat, chưa chắc còn được triple Ex như xưa, giá trị đương nhiên giảm, thiệt hại đủ đường.
Bạn nghĩ: “À ha, thế thì girdle càng dầy càng tốt”. KHÔNG, KHÔNG NHÉ. Girdle quá dày cũng là một thách thức với thợ kim hoàn. Nhưng có điểm trừ to đùng mà chắc chắn bạn không vui chút nào khi biết đâu. Đó là việc ăn gian trọng lượng. 1 viên kim cương 1 carat bình thường thì sẽ tầm 6.5mm. Nhưng với viên girdle quá dày, bạn chi tiền cho viên 1 carat nhưng viên đá của bạn có đâu đó tầm 5mm thôi. Ôi thế là mình bỏ tiền mua viên 1 carat mà nhìn kim cương mình nhỏ hơn viên 1ct của con bạn à. Ơ thế mình bỏ nhiều tiền hơn mà viên kim cương của mình chả khác gì viên .89ct của nhỏ kia à… Cha mạ ơi là tức hén.
Nhưng bạn yên tâm nhé, quy chuẩn của GIA để bảo vệ người tiêu dùng, nếu viên chơi ăn gian như thế sẽ bị đánh xuống trong chỉ tiêu Cut, như mình đã nói, tất cả các thông số khác Ex sao không cần biết, chỉ cần 1 yếu tố thấp thì sẽ lấy cái thấp nhất đó là kết quả cuối cùng cho cắt. Nếu bạn mua Ex cut rồi thì không phải lo ha.
Còn nếu bớt chút tiền cho viên chưa được Ex cut mà bạn nhìn vẫn thấy viên đó lấp lánh, đẹp và muốn mua thì sao? Hãy xem trong bản report của GIA, phần mọi người hay bỏ qua nhất là phần hình viên kim cương kia kìa (ảnh 3). Toàn bộ là các thông số của cắt, và phần mình viền đỏ lại là về Girdle. Tránh xa chữ [ very ] và [ extremely ] ra. Medium là ok nhất, slightly cũng chấp nhận được. Xem thêm hình 2 nhé.
Như trong ví dụ hình 3, viên kim cương đó có girdle thickness là medium – slightly thick. Đây là viền mỏng nhất và viền dày nhất của kim cương nha. Tuy là cùng girdle nhưng khi bạn xoay viên kim cương, không phải chỗ nào cũng đồng đều. Nhưng nếu khoảng cách giữa chỗ mỏng nhất và dày nhất quá lớn thì bạn hiểu rồi ha, cắt không có tốt, thậm chí đánh Poor trên thang điểm luôn. Nhiều khi có chỗ siêu mỏng [ extremely thin ] là do họ mài bớt inclusion ở đó, hoặc bị mẻ xíu xiu họ sửa lại. Tất cả đều ảnh hưởng đến đánh giá cuối cùng lên Cut.

GIRDLE CONDITION – (GIRDLE Viền quanh kim cương)
Trong ô đỏ đó có số 3.5%. Đó là girdle thickness. Excellent là nằm khoảng 2.5-4.5 % thôi nha. Còn chữ faceted trong ngoặc kia là gì, bạn có thắc mắc vậy không? Đó là tình trạng của girdle, để xem chỗ này được đánh bóng như thế nào nè.
Girdle sẽ có các trạng thái như sau: bruted (mặt nhám nhám sau quá trình mài), polished (mặt đã được đánh bóng như bề mặt các giác khác), faceted (mài bóng rồi nhưng girdle bây giờ cũng có các giác luôn), lasered (có các đường sọc sọc chạy dọc do viên này được cắt bằng laser nên có dấu vết này để lại)
Bạn nghĩ chỗ bé xíu này cần gì phải để ý kĩ thế chứ. Thì giờ bạn tưởng tượng bạn có một chiếc đầm dự tiệc lộng lẫy nhất, đẹp nhất, thiết kế bắt mắt nhất, mọi thứ từ đầu đến chân là hoàn hảo, duy nhất có cái thắt lưng là vải bao bố nhìn như bang chủ cái bang, bạn còn nghĩ nó là chi tiết bé xíu thôi mà, không sao hết hay bạn chỉ muốn quăng cái miếng giẻ rách đó đi vì làm mất hết giá trị bộ đầm kiều diễm? Bạn tự có câu trả lời cho viên kim cương của mình rồi đấy. Cái này không ảnh hưởng đến độ Cut của GIA, nhưng nếu bạn tốn tiền cho Triple Ex rồi thì nghía cái girdle condition luôn để chi tiền cho xứng đáng. Polished và faceted là đẹp.
Chắc hẳn chưa ai nói với bạn về điều này phải không? Tạm vậy cho bài hôm nay nha. Ai thích thì ra tiệm xoàn hỏi từng chi tiết trên tờ kiểm định xem, bạn sẽ học được nhiều đấy.
Note: tất cả trước giờ mình nói đều là cho kim tròn, kim cắt kiểu khác [ fancy shape ] có đánh giá khác và dễ thở hơn nhiều.
Link Bài viết nguyên gốc của Fb Ha Vu – https://www.facebook.com/thihaiha.vu.7 . Bạn Hà là 1 người cực kỳ đam mê đá quý và trang sức, được đào tạo chuyên nghiệp tại G.I.A học viên đá quý Hoa Kỳ.
Kimcuong.us có chỉnh sửa cấu trúc bài nhằm tối ưu web. Cũng như cố gắng mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích về kim cương và trang sức kim cương.